Thứ tư, 9/7/2025

Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống BVĐK Tâm Anh.
Giới tính (*)

Hỏi đáp bác sĩ

Con tôi vừa học xong lớp 1 đã phát hiện bị cận 1,5 độ. Cận thị có nguy hiểm không và có những nguy cơ hay biến chứng nào?

Đỗ Văn Toàn, 50 tuổi, Trà Vinh)

ThS.BS Tăng Ngọc Anh

Phó khoa Mắt, Trung tâm Mắt Công nghệ cao - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Đối với người bị tật khúc xạ, vấn đề đầu tiên và rõ rệt nhất gặp phải là suy giảm thị lực. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến nhược thị. Trong những trường hợp bất đồng khúc xạ (hai mắt có sự chênh lệch trên 2 độ), một mắt có thể bị nhược thị nặng đến mức không nhìn thấy rõ.

Suy giảm thị lực ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống: trẻ em gặp khó khăn trong học tập, người lớn bị hạn chế trong nhiều hoạt động như lái xe hay thể thao do không thể nhìn rõ, quan sát kém.

Tật khúc xạ có thể gây ra hiện tượng lé (lác), có thể là lé tiềm ẩn hoặc lé rõ ràng. Khi thị lực giảm, mắt có thể bị lé quy tụ hoặc lé nhược thị, gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý. Về mặt bệnh lý, cận thị nặng tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi độ cận càng cao, trục nhãn cầu càng kéo dài, dẫn đến võng mạc mỏng và thoái hóa. Điều này có thể gây thoái hóa dạng hàng rào, thậm chí thủng, rách võng mạc.

Khi võng mạc rách, dịch có thể tích tụ dưới lớp võng mạc, gây bong võng mạc, dẫn đến mất thị lực, tổn thương tế bào thần kinh vĩnh viễn. Đặc biệt hơn, cận thị càng cao còn có thể dẫn đến xuất huyết hoàng điểm. Cuối cùng, những bệnh nhân cận thị nặng còn có nguy cơ cao mắc bệnh cườm nước (glôcôm) do sự thay đổi cấu trúc nhãn cầu.

Sắp tới bố tôi sẽ phẫu thuật đục thủy tinh thể, vậy sau khi mổ bố tôi cần ở lại bệnh viện theo dõi trong bao lâu?

Hùng Thuận, 25 tuổi, An Giang

TS.BS Đinh Trung Nghĩa

Phó Giám đốc Trung tâm Mắt Công nghệ cao - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Hiện nay có một số phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể với máy móc hiện đại, được đồng bộ hóa, giúp ca mổ diễn ra nhanh chóng, an toàn và tiện lợi.

Với hệ thống này, đường mổ nhỏ, không gây đau và chỉ cần dùng thuốc tê tại chỗ. Nhờ đó, bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo sau mổ, có thể tự đi lại, tự phục vụ bản thân. Chính vì vậy, sau phẫu thuật, bệnh nhân chỉ cần lưu lại bệnh viện từ 1 đến 3 tiếng đối với ca mổ bình thường. Thị lực thường phục hồi chỉ sau 1-2 ngày, cho phép bệnh nhân sinh hoạt bình thường trở lại.

Với những trường hợp có vấn đề hoặc ca mổ khó hơn, thời gian lưu viện có thể sẽ lâu hơn. Những trường hợp thủy tinh thể đục nhiều hơn hoặc ca mổ khó hơn thì thời gian phục hồi sẽ lâu hơn, khoảng 3-7 ngày. Tùy từng trường hợp, bệnh nhân mới có thể sinh hoạt bình thường trở lại.

Sắp tới tôi có dự định mổ cận song vẫn chưa quyết định được phương pháp mổ và sợ nguy cơ tái mắc. Vậy hiện nay có những phương pháp phẫu thuật cận thị nào an toàn, ít đau, phục hồi nhanh không?

Nguyễn Phương Trinh, 26 tuổi, Đồng Nai

TS.BS Đinh Trung Nghĩa

Phó Giám đốc Trung tâm Mắt Công nghệ cao - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Hiện có thể chia các phương pháp xóa cận thành 2 nhóm: nhóm dùng tia laser (như FemtoLASIK, SMILE) và nhóm không dùng tia laser (như Phakic, Phaco).

Đa phần các phương pháp mổ cận đều an toàn, tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Không có phương pháp nào là hoàn hảo, điều này phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi người bệnh để chọn phương pháp phù hợp.

Những phương pháp dùng tia laser thế hệ mới thường dùng những nguồn năng lượng thấp, xung ngắn, thời gian tác động nhanh giúp bảo tồn mô và tăng khả năng phục hồi sau mổ. Bên cạnh đó là những công nghệ mới giúp theo dõi, bù trừ những chuyển động xoay của mắt hỗ trợ rất nhiều trong mổ tật khúc xạ, đặc biệt những trường hợp người bệnh loạn thị cao.

Thay vì phải tạo vạt truyền thống, hiện công nghệ có thể giúp tạo đường mổ nhỏ chỉ 2.5 mm để lấy lõi mô, giúp bảo vệ cấu trúc và độ bền cơ sinh học của giác mạc sau khi mổ. Ngoài ra, người bệnh còn được điều trị cá nhân hóa, tức điều trị với phác đồ riêng cho từng mắt. Hay với phẫu thuật Phakic can thiệp nội nhãn, những thấu kính thế hệ mới ngoài việc điều chỉnh độ cận - loạn còn hỗ trợ cho việc nhìn gần tốt hơn.

Em năm nay 27 tuổi, là nhân viên văn phòng, cận 3 độ và có dự định mổ cận trong thời gian tới. Tuy nhiên em rất lo lắng sợ mổ cận sẽ đau, khô mắt kéo dài và sợ nhất là tái cận. Mong bác sĩ tư vấn.

Hoàng Khoa, 27 tuổi, TP HCM

ThS.BS Tăng Ngọc Anh

Phó khoa Mắt, Trung tâm Mắt Công nghệ cao - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Xóa cận có đau không là thắc mắc chung của rất nhiều bạn khi mổ cận. Thực tế, khi mổ cận, bạn sẽ được nhỏ thuốc tê nhiều lần nên hầu như không có cảm giác đau. Bạn có thể cảm thấy một chút áp lực nhẹ hoặc hơi khó chịu trong vài phút đầu, nhưng cảm giác này sẽ qua rất nhanh.

Sau khi mổ, bạn có thể thấy hơi cộm, xốn hoặc rát mắt, thậm chí nhìn mờ cho đến sáng hôm sau. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng tạm thời, thường kéo dài từ vài giờ đến một ngày, sau đó thị lực sẽ được cải thiện và các cảm giác khó chịu sẽ biến mất.

Về vấn đề tái cận, không phải ai mổ cận cũng sẽ bị tái cận, tỷ lệ này thấp nhưng vẫn có thể xảy ra và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu độ cận của bạn chưa ổn định trước khi mổ (vẫn đang tăng) thì sau phẫu thuật, độ cận vẫn có thể tiếp tục tăng. Ngoài ra, những người cận nặng thường có nguy cơ tái cận cao hơn so với người có độ cận thấp. Việc tái cận cũng tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.

Để biết chính xác tình trạng của mình và nhận lời khuyên cụ thể nhất, bạn nên đến thăm khám với bác sĩ Chuyên khoa Mắt để bác sĩ xác định độ khúc xạ và đánh giá xem độ cận của bạn đã ổn định chưa, có đủ điều kiện xóa cận hay không? và nên xóa cận bằng phương pháp nào.

Chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể thường gồm những bước nào, phương pháp điều trị ra sao?

Trần Tuấn Anh, 47 tuổi, Vĩnh Long

TS.BS Đinh Trung Nghĩa

Phó Giám đốc Trung tâm Mắt Công nghệ cao - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Việc chẩn đoán chính xác tình trạng đục thủy tinh thể để tiên lượng thành công cho phẫu thuật không quá khó khăn song đòi hỏi sự cẩn trọng. Điều quan trọng là người bệnh cần được kiểm tra kỹ lưỡng và tuân thủ đúng quy trình thăm khám. Điều này giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác mức độ và loại đục thủy tinh thể, từ đó đảm bảo cuộc phẫu thuật diễn ra an toàn, đạt hiệu quả cao.

Đầu tiên, người bệnh sẽ được khám, kiểm tra thủy tinh thể về mặt lâm sàng bằng cách nhỏ thuốc giãn đồng tử. Sau đó kiểm tra thủy tinh thể dưới kính sinh hiển vi để đánh giá: đục ở mức độ mấy, hình dạng đục, hình thái đục như thế nào, có tổn thương đi kèm nếu có hay không...

Sau đó, người bệnh sẽ được khám chuyên sâu bằng các thiết bị kiểm tra tổn thương có thể có trong võng mạc. Những tổn thương này có thể ảnh hưởng đến thị lực sau phẫu thuật, ví dụ, người bệnh có tổn thương về thần kinh nhưng không được phát hiện có thể khiến cuộc mổ không thành công về mặt chức năng.

Bạn nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa Mắt uy tín để được khám, chẩn đoán chính xác tình trạng đục thủy tinh thể, tư vấn và điều trị phù hợp.

Vì sao bệnh đục thủy tinh thể thường gặp nhất ở người lớn tuổi? Đây có phải là bệnh mắt đặc trưng ở người già không?

Thu Hà, 43 tuổi, Kiên Giang

TS.BS Đinh Trung Nghĩa

Phó Giám đốc Trung tâm Mắt Công nghệ cao - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Đục thủy tinh thể thường gặp ở người lớn tuổi vì nó là quá trình lão hóa của cơ thể, cũng có thể xem là một bệnh mắt đặc trưng ở người lớn tuổi. Lão hóa là nguyên nhân hàng đầu gây đục thủy tinh thể, nhưng không phải nguyên nhân duy nhất gây bệnh.

Trung bình, từ tuổi 40 trở đi, quá trình lão hóa bắt đầu diễn ra trên toàn bộ cơ thể, bao gồm cả thủy tinh thể. Khi thủy tinh thể lão hóa, các protein bên trong sẽ dần bị cô đặc, biến đổi. Thủy tinh thể vốn trong suốt, nhưng khi bị thoái hóa, các protein này sẽ từ từ chuyển sang màu vàng, sau đó sẫm dần thành màu nâu. Ở giai đoạn muộn hơn, thủy tinh thể có thể chuyển hẳn sang màu nâu đen hoặc thậm chí hóa lỏng, trở thành đục thủy tinh thể trắng (giai đoạn cuối cùng của đục thủy tinh thể).

Quá trình lão hóa tùy thuộc vào mỗi người, có người từ 30, 40 tuổi nhưng cũng có người có quá trình lão hóa chậm hơn, có thể 50, 60 tuổi mới bắt đầu lão hóa. Những yếu tố như tiếp xúc thường xuyên với tia UV, hút thuốc lá nhiều, có bệnh nền (đái tháo đường, huyết áp), viêm nhiễm trong mắt... cũng thúc đẩy quá trình lão hóa nhanh hơn.

Nếu có các triệu chứng bất thường ở mắt như nhìn mờ hơn, nhất là vào chiều tối dù đã đổi kính nhiều lần, bạn nên đi khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa Mắt uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tôi 44 tuổi, bị cận 2 mắt, mắt phải 4 độ, mắt trái 3,5 độ. Liệu tôi có mổ cận được không và có tốn kém không?

Minh An, 44 tuổi, Hà Nam

ThS.BSNT Lê Thanh Huyền

Trung tâm Mắt công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Sau 40 tuổi mắt sẽ có thêm tình trạng lão thị, khi cùng lúc mắc cả cận thị sẽ gây ra khó khăn trong sinh hoạt. Thường mổ cận ở thời điểm này không được ưu tiên, nhưng sẽ có phương pháp phẫu thuật khúc xạ giúp thị lực được cải thiện, ví dụ như mổ lão thị Presbyond.

Để biết chính xác bản thân có thể mổ khúc xạ bằng phương pháp nào, chi phí ra sao, bạn nên đi khám chuyên sâu tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt. Bác sĩ sẽ có chỉ định khám chuyên sâu đánh giá chính xác tình trạng khúc xạ và tư vấn phương pháp mổ phù hợp với tình trạng mắt hiện tại.

Tôi năm nay 50 tuổi, hiện tại mắt trái bị đục thuỷ tinh thể, thị lực còn 3~4/10. Mắt phải lão thị 1,75 độ. Mắt trái của tôi khá mờ nhòe, nhìn chủ yếu bằng mắt phải. Tôi nghe nói thủy tinh thể nhân tạo chỉ hữu ích trong thời gian tối ưu khoảng 10-15 năm. Liệu tuổi của tôi có quá trẻ để phẫu ...

Hồng Hải, 50 tuổi, Hà Nội

ThS.BSNT Lê Thanh Huyền

Trung tâm Mắt công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Đục thủy tinh thể đi kèm lão thị gây suy giảm thị lực, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày. Việc sử dụng một mắt quá nhiều sẽ khiến độ khúc xạ ngày càng chênh lệch, dẫn đến nhiều biến chứng về sau. Anh nên khám và tiến hành mổ sớm để đảm bảo thị lực. Mổ đục thủy tinh thể có thể thực hiện ở trẻ em.

Thủy tinh thể nhân tạo ngày nay có độ bền cao, có thể sử dụng được trong nhiều năm, anh nên đi khám và điều trị ở các cơ sở uy tín để đảm bảo về chất lượng.

Tôi cận 4,5 độ, đi khám được chỉ định sẽ mổ bằng phương pháp Femto Pro. Vậy mổ bằng Femto Pro là gì, có an toàn không và hiệu quả ra sao?

Đức Thành, 24 tuổi, TP HCM

ThS.BS Tăng Ngọc Anh

Phó khoa Mắt, Trung tâm Mắt Công nghệ cao - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Phương pháp Femto Pro là phiên bản nâng cấp của Femto LASIK, được thực hiện trên hệ thống máy VisuMax 800 để tạo vạt giác mạc. Đây là thế hệ máy tiên tiến, mang lại độ an toàn và chính xác cao vì toàn bộ quá trình tạo vạt đều được thực hiện bằng tia laser. Vì thế phương pháp này phù hợp với hầu hết mọi người và có chi phí hợp lý.

Về nguy cơ tái cận, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố ví dụ như: độ cận trước khi mổ, tình trạng chăm sóc mắt sau phẫu thuật, độ cận đã ổn định hay chưa, độ cận quá cao sẽ có nguy cơ tái cận cao hơn so với tình trạng bình thường, trung bình thấp.

Ngoài ra, bất kỳ can thiệp nào lên cơ thể cũng có nguy cơ xảy ra biến chứng nhất định song đối với các phương pháp hiện đại thì hầu như tỉ lệ biến chứng rất thấp. Đối với phương pháp Femto Pro, nếu có những biến chứng thì chúng sẽ xoay quanh vạt giác mạc đó.

Ví dụ như trong thời gian đầu sau mổ, khi mà vạt chưa được lành hẳn, nếu như bạn dụi mắt hoặc vô tình có chấn thương mắt, thì có thể xảy ra tình trạng nhăn vạt, lệch vạt... có khả năng ảnh hưởng kéo dài nhiều năm sau. Do đó, để đảm bảo đạt hiệu quả sau mổ tốt, giảm tối đa nguy cơ biến chứng, bạn nên khám và điều trị tại cơ sở y tế uy tín, tuân thủ đúng chỉ định điều trị, chăm sóc sau mổ của bác sĩ.

Có phải mọi trường hợp bị cận thị đều có thể phẫu thuật xóa cận phải không? Con trai tôi bị cận thị kèm loạn thị có mổ được không?

Nguyễn Thanh Hương, 42 tuổi, Vũng Tàu

ThS.BS Tăng Ngọc Anh

Phó khoa Mắt, Trung tâm Mắt Công nghệ cao - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Hiện nay, cả cận thị và loạn thị kèm cận thị đều có thể được phẫu thuật. Hầu hết các trường hợp, nếu không có các chống chỉ định như bệnh lý giác mạc hay các bệnh lý khác trong mắt, bệnh nhân đều có thể áp dụng các phương pháp xóa cận.

Có hai phương pháp phẫu thuật cận chính: tác động vào giác mạc và tác động nội nhãn. Phương pháp tác động vào giác mạc phụ thuộc vào độ khúc xạ, chiều dày và hình thái giác mạc của bệnh nhân. Nếu giác mạc có bệnh lý hoặc không phù hợp để tác động, có thể cân nhắc tới phương pháp thứ hai là phương pháp nội nhãn.

Phương pháp nội nhãn thường áp dụng cho trường hợp độ cận quá cao mà giác mạc không đủ để tác động, trong đó người ta sẽ đặt một thấu kính nội nhãn ở trước thủy tinh thể và sau mống mắt, đây chính là phương pháp Phakic.

Một trong những phương pháp nữa trước đây vẫn hay dùng mà hiện nay thường áp dụng cho người lớn tuổi là phương pháp mổ Phaco. Phương pháp này sẽ lấy thủy tinh thể và sau đó đặt một thấu kính nhân tạo có thể trung hòa hết các độ cận, độ viễn và độ loạn của bệnh nhân.

Năm nay tôi 30 tuổi và cận khá nặng, người bị cận thị như tôi có nguy cơ mắc đục thủy tinh thể cao hơn không?

Mỹ Ngọc, 30 tuổi, TP HCM

TS.BS Đinh Trung Nghĩa

Phó Giám đốc Trung tâm Mắt Công nghệ cao - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Bản thân tình trạng cận thị không trực tiếp khiến đục thủy tinh thể xuất hiện sớm hay nhanh hơn. Tuy nhiên, người cận thị thường có yếu tố nguy cơ dẫn đến đục thủy tinh thể như dễ bị biến chứng thoái hóa võng mạc hoặc tổn thương vùng chu biên, đòi hỏi phải điều trị bằng cách chiếu tia laser vào.

Tia laser lại chính là một trong những yếu tố có thể khiến đục thủy tinh thể xuất hiện sớm và tiến triển nhanh hơn. Tương tự, những bệnh nhân bị bong võng mạc cần phẫu thuật trong mắt cũng có nguy cơ thay đổi môi trường nội nhãn, dẫn đến đục thủy tinh thể sớm hơn hoặc làm tình trạng đục thủy tinh thể đã có diễn tiến nhanh hơn.

Tôi được biết người già có nguy cơ đục thủy tinh thể cao hơn nhưng bạn tôi mới 32 tuổi đã bị mắc bệnh. Vậy ngoài tuổi tác thì nguyên nhân hoặc yếu tố nào có thể dẫn đến tình trạng này?

Minh Trung, 34 tuổi, TP HCM

TS.BS Đinh Trung Nghĩa

Phó Giám đốc Trung tâm Mắt Công nghệ cao - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Ngoài nguyên nhân chính tuổi tác, đục thủy tinh thể còn có thể xuất hiện từ nhiều yếu tố khác. Ở người trẻ tuổi, việc sử dụng một số loại thuốc (thuốc có chất corticoid toàn thân hoặc tại chỗ); mắc các bệnh như tiểu đường, suy thận... đều có thể gây đục thủy tinh thể sớm, không liên quan đến quá trình lão hóa. Những bệnh lý trong mắt như viêm màng bồ đào, phẫu thuật trong mắt trước đó làm đục thủy tinh thể xuất hiện sớm hơn, diễn tiến nặng hơn.

Trẻ em có thể mắc đục thủy tinh thể bẩm sinh do tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc bệnh mắc phải trong quá trình mang thai. Đục thủy tinh thể bẩm sinh không liên quan đến yếu tố lão hóa mà liên quan đến yếu tố bệnh lý, thường là những bệnh lý trong mắt kèm theo, chẳng hạn như nhãn cầu nhỏ, bệnh ở võng mạc gây ra.

Người có các yếu tố nguy cơ trên, hoặc có các triệu chứng bất thường ở mắt như nhìn mờ hơn, nhất là vào chiều tối, nên đi khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa Mắt uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời.

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn