Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Hiện Việt Nam có hai loại vaccine phòng ngừa HPV. Trong đó, vaccine Gardasil phòng 4 type HPV gồm 6, 11, 16, 18 chỉ định tiêm cho bé gái, phụ nữ trong độ tuổi 9-26. Vaccine Gardasil 9 phòng ngừa 9 type HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, được chỉ định tiêm cho nam, nữ từ 9-45 tuổi. Hiệu quả bảo vệ của vaccine trên 90% khi tiêm đủ liều, đúng lịch. Vaccine giúp sinh miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể duy trì ở mức cao và hiệu quả kéo dài.
Bạn không cần xét nghiệm tìm virus HPV trước khi tiêm vaccine phòng bệnh. Lý do, vaccine giúp phòng ngừa nhiều chủng HPV và ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm. Người nhiễm HPV có thể tự đào thải virus, tuy nhiên miễn dịch phòng ngừa không duy trì lâu dài nên vẫn có khả năng tái nhiễm chủng virus cũ và nhiễm thêm các chủng mới. Có khoảng 20% người nhiễm HPV không đào thải được virus và phát triển thành mụn cóc sinh dục sau vài tháng và vài chục năm gây ra các bệnh ung thư. Hiện vaccine đều tiêm được cho người đã quan hệ tình dục, sinh con và từng nhiễm hoặc đang nhiễm HPV. Người trong độ tuổi chỉ định, không dị ứng với thành phần của vaccine, không mắc các bệnh cấp tính, phụ nữ không mang thai... đều đủ điều kiện tiêm vaccine HPV.
Trường hợp của bạn là nam 40 tuổi, vẫn ở trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng thì hoàn toàn tiêm được vaccine Gardasil 9. Bạn có thể chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn chủng ngừa đầy đủ hơn.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Vi khuẩn não mô cầu lây lan qua đường hô hấp khi người khỏe mạnh hít phải các giọt bắn nhiễm khuẩn của người bệnh, người lành mang trùng tức người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng hoặc tiếp xúc gián tiếp với vật dụng, bề mặt dính virus. Tại Việt Nam, não mô cầu là một trong 6 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất. Não mô cầu gây ra các bệnh như viêm màng não, nhiễm trùng máu hoặc cả viêm màng não và nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm khớp... Khoảng 10-20% người sống sót gặp các di chứng cắt cụt chi, liệt, điếc, thiểu năng trí tuệ...
Hiện Việt Nam đã có vaccine não mô cầu phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh thường gặp gồm A, B, C, Y, W-135. Đầu tiên là vaccine Bexsero (Italia) phòng nhóm não mô cầu B, tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi. Loại thứ hai là Mengoc BC (CuBa), phòng hai nhóm vi khuẩn não mô cầu B và C, tiêm cho trẻ 6 tháng tuổi đến người lớn 45 tuổi. Còn vaccine Menactra (Mỹ) phòng 4 nhóm vi khuẩn não mô cầu A, C, Y, W-135, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi.
Con bạn 3 tuổi, đã tiêm vaccine phòng não mô cầu nhóm B vẫn cần tiêm thêm vaccine phòng nhóm ACYW-135. Lý do, vaccine phòng các nhóm huyết thanh não mô cầu khuẩn không có miễn dịch chéo với nhóm huyết thanh khác. Mỗi người cần tiêm ít nhất hai loại vaccine để phòng ngừa được đầy đủ 5 nhóm huyết thanh vi khuẩn gây bệnh.
Bạn nên đưa con đến cơ sở tiêm chủng để được thăm khám sức khỏe và tư vấn phác đồ phù hợp.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Trong thông tin kê toa của nhà sản xuất, vaccine sốt xuất huyết không có khuyến cáo với các trường hợp dị ứng thực phẩm, trong đó có tôm. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tiêm vaccine. Trước tiêm, bạn cần được bác sĩ khám sàng lọc kỹ. Tuy nhiên, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin tình trạng sức khỏe, cơ địa dị ứng với tôm ra sao, đang uống thuốc gì... để bác sĩ chỉ định mũi tiêm phù hợp.
Bạn cần lưu ý, trước và sau tiêm vaccine sốt xuất huyết không ăn các thực phẩm dễ gây ra dị ứng như ngứa ngáy, da nổi mẩn đỏ. Bởi vì, các triệu chứng này khó phân biệt nguyên nhân từ thức ăn hay phản ứng của vaccine. Bạn cũng cần theo dõi sức khỏe sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng 30 phút và 24 - 48 giờ tại nhà. Thời gian này nếu thấy có các biểu hiện như sốt cao 39 độ C, mệt mỏi, khó chịu, khó thở... cần liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng hoặc đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây nên. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua vết đốt của muỗi vằn, chủ yếu là muỗi Aegypti Aedes mang virus. Bệnh có thể gây ra các biến chứng tràn dịch màng phổi, tích tụ dịch trong ổ bụng, giảm protein máu hoặc cô đặc máu, suy đa tạng, xuất huyết não, nguy cơ tử vong cao.
Để phòng sốt xuất huyết, tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất hiện nay. Hiện Việt Nam có vaccine phòng 4 type huyết thanh virus Den-1, Den-2, Den-3, Den-4, có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bao gồm cả trường hợp tái nhiễm đến hơn 80% và nguy cơ nhập viện hơn 90%. Vaccine tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng. Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine trước ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai.
Ngoài vaccine, bạn và người nhà cần phòng bệnh bằng cách loại bỏ nơi ở của muỗi, dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngủ màn, mặc quần áo dài để tránh muỗi đốt gây bệnh.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Nếu bạn đã mắc thủy đậu và có chẩn đoán của bác sĩ thì không cần phải tiêm vaccine phòng ngừa thủy đậu. Lý do, miễn dịch sau khi mắc thủy đậu khá bền vững, rất ít trường hợp tái mắc thủy đậu. Vì vậy, bạn không cần tiêm vaccine thủy đậu.
Tuy nhiên, thủy đậu do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Sau khi bạn khỏi thủy đậu, virus VZV sẽ "ngủ đông" ở các hạch thần kinh cảm giác. Khi gặp điều kiện thuận lợi như lớn tuổi, hệ miễn dịch suy giảm, mắc bệnh nền... virus VZV sẽ kích hoạt gây bệnh zona.
Zona thần kinh gây ra ngứa, rát hoặc đau ở một vùng da ở một bên cơ thể, có kèm sốt, mệt mỏi hoặc đau đầu. Bệnh nếu không được điều trị sớm có thể gây ra biến chứng đau thần kinh sau zona kéo dài, viêm phổi, viêm màng não, liệt mặt, tăng nguy cơ đột quỵ...
Hiện Việt Nam có vaccine zona thần kinh, do hãng dược GSK (Bỉ) sản xuất. Hiệu quả ngăn bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi, từ 70-87% ở người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý đồng thời giảm các biến chứng hơn 90%. Bạn đã mắc thủy đậu và đã 52 tuổi, thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc zona thần kinh thì nên tiêm vaccine càng sớm càng tốt.
Ngoài tiêm vaccine, bạn nên có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi cần hợp lý, ăn uống đủ chất, tránh sử dụng các chất kích thích. Bạn cũng cần tránh căng thẳng, có thể tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động thể chất thường xuyên để tránh mắc bệnh.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Đa số người đã mắc sởi hoặc tiêm chủng vaccine đều có miễn dịch bền vững với bệnh. Việc mắc sởi cần phải có chẩn đoán của bác sĩ hoặc xét nghiệm máu để xác định. Thực tế, có nhiều bệnh có biểu hiện giống sởi như sốt phát ban, thủy đậu, tay chân miệng... cũng bị nhầm lẫn với sởi.
Nhiều trường hợp nghi ngờ mắc sởi nhưng xét nghiệm máu để tìm kháng thể đối với virus sởi vẫn cho kết quả âm tính. Mặt khác, có số ít trường hợp mắc sởi nhưng kháng thể tồn tại suy giảm theo thời gian hoặc khi có hệ miễn dịch suy giảm.
Việc tiêm vaccine khi chưa biết chắc bản thân mắc bệnh sởi hoặc muốn tiêm phòng bổ sung thêm vaccine sởi khi dịch bùng phát hoàn toàn có thể được. Mũi tiêm giúp củng cố kháng thể chống lại virus sởi.
Trước tiêm, bạn cần được bác sĩ khám sàng lọc kỹ và bạn cần chia sẻ đầy đủ các thông tin về bệnh đang mắc, thuốc đang uống, hay có các dị ứng nào không... để bác sĩ quyết định mũi tiêm phù hợp.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm não - màng nào, thậm chí tử vong. Bất cứ ai cũng có thể lây bệnh nếu chưa có miễn dịch với bệnh.
Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine chứa thành phần phòng sởi cho trẻ em và người lớn như mũi sởi đơn MVVac (Việt Nam); loại phối hợp sởi - rubella (MRVac), loại phối hợp 3 trong 1: sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ); MMR II (Mỹ). Đối với trẻ nhỏ, lịch tiêm thường quy vắc xin có thành phần sởi được chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi sau đó mũi 2 sẽ được tiêm từ 12 tháng tuổi.
Với người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa cần tiêm đủ ít nhất hai mũi, phác đồ cách nhau một tháng. Phụ nữ có kế hoạch mang thai ít nhất ba tháng để chủng động bảo vệ thai kỳ khỏi nguy cơ mắc sởi và giúp truyền kháng thể thụ động cho con trong những tháng đầu đời khi trẻ chưa đủ tuổi chủ động được tiêm ngừa sởi.
Tại thời điểm hiện nay, khi bệnh sởi bùng dịch thì theo hướng dẫn của các nhà sản xuất cho phép tiêm vaccine có thành phần sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi, mũi tiêm này được gọi là mũi chống dịch (mũi 0), không tính trong liệu trình tiêm thường quy của trẻ. Tuy nhiên, việc tiêm mũi sởi chống dịch này có ý nghĩa quan trọng giúp bảo vệ trẻ trong giai đoạn “"khoảng trống miễn dịch" giai đoạn mà miễn dịch từ mẹ truyền sang con giảm đi đáng kể.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Vaccine sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) nghiên cứu, phát triển, được chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn, giúp phòng ngừa cả bốn type huyết thanh sốt xuất huyết Den-1, Den-2, Den-3, Den-4, đồng thời ngăn tái nhiễm. Hiệu quả phòng bệnh hơn 80%, khả năng ngăn bệnh nặng, biến chứng hơn 90%. Lịch tiêm 2 mũi trong 3 tháng. Con bạn đã 4 tuổi thì hoàn toàn có thể tiêm vaccine sốt xuất huyết. Bạn nên đưa trẻ đi tiêm càng sớm càng tốt.
Vaccine Qdenga hiện có giá gần 1,4 triệu đồng/mũi, áp dụng cho cả trẻ em và người lớn.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lây truyền qua đường hô hấp do hắt hơi, tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc tiếp xúc gián tiếp với đồ vật, bề mặt dính mầm bệnh sau đó đưa tay lên mắt mũi miệng. Trẻ em và người lớn chưa có miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột, tiêu chảy...
Triệu chứng bệnh sởi ở người lớn thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với dị ứng, viêm đường hô hấp. Bệnh hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng và kết hợp dinh dưỡng.
Vaccine là biện pháp phòng bệnh chủ động, an toàn, hiệu quả cao, có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%. Vaccine phòng bệnh sởi có bốn loại gồm mũi đơn MVVAC, mũi phối hợp phòng sởi - rubella MRVAC của Việt Nam, mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella MMR II của Mỹ và mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella Priorix của Bỉ, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Trong đó, mũi sởi - quai bị - rubella chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ.
Trường hợp bạn là người lớn, chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử tiêm ngừa, bạn nên chủ động tiêm đầy đủ từ 2 mũi vaccine, cách nhau 1 tháng nhằm tạo miễn dịch chủ động với sởi, ngăn chặn sự lây lan gây dịch bệnh trong cộng đồng. Vaccine sởi tại VNVC có giá dao động từ 265.000 - 495.000 tùy loại vaccine.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Theo thông tin kê toa của nhà sản xuất, vaccine uốn ván có lịch tiêm 3 mũi trong vòng 7 tháng, sau đó cần tiêm nhắc sau mỗi 10 năm. Với những người có vết thương nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm, ngoài vaccine uốn ván còn cần sử dụng thêm Globulin miễn dịch (TIG) hoặc huyết thanh uốn ván (SAT). Thời gian tiêm phòng hiệu quả nhất là càng sớm càng tốt sau khi xảy ra vết thương, tốt nhất là trong vòng 24 giờ. Trường hợp của bạn có vết thương và đã tiêm ngừa chủ động đủ mũi thì cần tiêm nhắc lại một liều vaccine, không cần dùng Globulin miễn dịch (TIG) hoặc huyết thanh uốn ván (SAT).
Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine có thành phần ngừa uốn ván như 5 trong 1, 6 trong 1, 4 trong 1, 3 trong 1, 2 trong 1, hoặc mũi uốn ván đơn. Trước tiêm bạn cần được khám sàng lọc kỹ để bác sĩ đánh giá tình hình vết thương cũng như có mũi tiêm, sử dụng thuốc phù hợp để tránh nhiễm trùng vết thương. Bạn cũng cần chia sẻ rõ lịch trình tiêm, loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ đánh giá tình hình và chỉ định mũi tiêm phù hợp.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Hiện tại Hệ thống tiêm chủng VNVC có hai loại vaccine cúm tứ giá thế hệ mới gồm Vaxigrip Tetra (Pháp) và Influvac Tetra (Hà Lan). Cả hai loại vaccine này đều có tác dụng ngừa 4 chủng virus cúm gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria và B/Yamagata chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp... Người lớn có lịch tiêm 1 mũi, tiêm nhắc 1 mũi hằng năm. Giá niêm yết hiện 350.000 – 360.000 đồng/liều.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bác!
Viêm gan siêu vi là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, do virus gây nên. Có 5 loại virus viêm gan, trong đó virus viêm gan B và viêm gan C lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Còn virus viêm gan D thường đồng nhiễm khi bệnh nhân mắc viêm gan B và có đường lây như viêm gan B. Virus viêm gan A và E lây truyền qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn, hoặc vệ sinh không đảm bảo. Người mắc viêm gan B, C và D đều có thể gặp các biến chứng xơ gan, ung thư gan cao.
Hiện Việt Nam đã có vaccine phòng ngừa viêm gan A và viêm gan B. Đối với viêm gan B, trước tiêm cần thực hiện xét nghiệm máu để biết cơ thể có kháng thể chống lại viêm gan B không. Nếu đang mắc bệnh viêm gan B, bệnh nhân không cần tiêm vaccine. Trường hợp không có kháng thể với viêm gan B hoặc mức kháng thể dưới mức bảo vệ như trường hợp của bác cần tiêm phòng vaccine viêm gan B.
Bác có thể chọn các loại vaccine đơn hoặc phối hợp phòng viêm gan A và B trong một mũi tiêm. Bác năm nay 55 tuổi thì nên chọn vaccine phòng viêm gan A và B Twinrix (Bỉ) để tiêm. Lịch tiêm gồm 3 mũi trong vòng 6 tháng.
Do bác đang bị cao huyết áp, vì vậy trước tiêm bác sẽ khám sàng lọc kỹ để bác sĩ đo chỉ số huyết áp, đánh giá tình hình sức khỏe trước tiêm để đưa ra chỉ định tiêm phù hợp. Khi đi tiêm, bác cần mang theo các giấy tờ khám sức khỏe liên quan cũng như ghi chú thông tin về những loại thuốc đang sử dụng. Bác cũng cần ăn no vừa phải, không để bụng đói khi đi tiêm ngừa. Sau tiêm, bác cần theo dõi sức khỏe ít nhất 30 phút tại trung tâm tiêm chủng và 24-48 tiếng tiếp theo tại nhà. Bác có thể kết hợp ăn uống đủ các nhóm chất cũng như vận động nhẹ nhàng để vaccine giúp cơ thể sinh kháng thể tốt hơn.
Cảm ơn bác đã gửi câu hỏi.
Chúc bác và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Viêm gan B là bệnh do virus viêm gan B gây ra, có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan cao. Trong khi đó, bệnh chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh lây nhiễm bệnh. Người tiêm cần thực hiện xét nghiệm để biết có nhiễm bệnh viêm gan B hoặc xác định mức độ kháng thể phòng bệnh viêm gan B trong máu để có chỉ định tiêm phù hợp.
Trường hợp nhiễm viêm gan B, người bệnh không cần tiêm vaccine còn không có kháng thể như mẹ của bạn hoặc có mức kháng thể phòng bệnh dưới mức bảo vệ cần tiêm vaccine.
Với trường hợp của bạn, cần thực hiện xét nghiệm kháng thể trước khi tiêm để biết chính xác tình trạng của bản thân. Nếu không mắc bệnh viêm gan B và không có kháng thể hoặc kháng thể dưới mức bảo vệ, bạn nên đi tiêm càng sớm càng tốt.
Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine viêm gan B dành cho trẻ em và người lớn gồm Heberbiovac HB (Cu Ba) và Gene Hbvax (Việt Nam), Twinrix (Bỉ) phòng viêm gan A và B trong một mũi tiêm; vaccine phối hợp có thành phần viêm gan B như 5 trong 1, 6 trong 1 cho trẻ em. Người lớn tiêm chủng ba mũi trong vòng 6 tháng. Trẻ em cần tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh, sau đó trẻ cần theo sát lịch tiêm ngừa vaccine như vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine 6 trong 1.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Cúm và phế cầu cùng là vaccine bất hoạt, vì vậy có thể tiêm được cùng một buổi tiêm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phản ứng miễn dịch của cơ thể khi tiếp nhận cả hai loại vaccine này cùng lúc không bị giảm sút. Người tiêm không gặp tình trạng gây quá tải hệ miễn dịch hoặc tăng phản ứng sau tiêm.
Trước tiêm, bạn và con trai sẽ được khám sàng lọc kỹ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình sức khỏe hai cha con, tiền sử bệnh lý và dị ứng để quyết định mũi tiêm phù hợp. Bạn cũng nên chuẩn bị kỹ các thông tin, chia sẻ kỹ với bác sĩ về các bệnh nếu hai cha con đang mắc, cũng như các phản ứng sau khi tiêm các vaccine trước đó. Hai loại vaccine sẽ được tiêm ở các vị trí chi khác nhau.
Hiện Việt Nam có vaccine cúm tứ giá ngừa 4 chủng virus cúm gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria và B/Yamagata chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng tiêm phòng cúm trước đó. Trẻ từ chín tuổi và người lớn tiêm một mũi và tiêm nhắc lại hàng năm.
Với phế cầu, hiện có vaccine Synflorix (Bỉ) phòng 10 chủng phế cầu tiêm từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi. Vaccine Prevenar 13 (Mỹ) phòng 13 chủng phế cầu, tiêm từ 6 tuần tuổi đến người lớn. Vaccine phế cầu 23 (Pneumovax 23), phòng chống 23 chủng phế cầu, tiêm cho trẻ từ 2 tuổi đến người lớn. Trường hợp bạn và con bạn 3 tuổi chỉ cần tiêm 1 mũi phế cầu 13.
Việc tiêm cúm và phế cầu cùng lúc sẽ giúp tăng cường khả năng đối phó với các mầm bệnh truyền nhiễm, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp, nhập viện, tử vong và duy trì sức khỏe tốt hơn. Lý do, vaccine phế cầu giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng do phế cầu khuẩn gây ra như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết... Còn vaccine cúm giúp cơ thể chống lại các chủng virus cúm lưu hành phổ biến gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não...
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua các vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở do động vật có vú máu nóng gây ra, chiếm đa số là chó, mèo. Do đó, với trường hợp con bạn bị mèo hoang cắn, cào có nguy cơ nhiễm dại.
Dại hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Một khi đã phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100%. Thông thường, thời gian ủ bệnh dại từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc kéo dài đến hơn 1 năm.
Hiện bạn vẫn quan sát được con vật còn sống đến mũi tiêm thứ 2, tức vào ngày thứ 7 thì chưa chắc chắn con mèo không mắc bệnh dại. Bạn cần tiếp tục quan sát tiếp con vật, tiêm chủng tiếp theo liệu trình và thông báo với bác sĩ để được tư vấn tiêm các mũi phù hợp.
Nếu con vật không mắc bệnh dại, vaccine vẫn có tác dụng bảo vệ con bạn trong tương lai. Các lần bị chó mèo cắn cào sau chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh kháng dại dù vết thương có nặng.
Hiện phác đồ tiêm dự phòng trước phơi nhiễm tức trước khi bị chó, mèo cắn cào vẫn được áp dụng cho các đối tượng có nguy cơ cao phơi nhiễm dại, đi đến những nơi khó tiếp cận vaccine dại và huyết thanh kháng dại.
Với câu hỏi của bạn về huyết thanh kháng dại, tùy theo vết thương, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm. Tuy nhiên, huyết thanh kháng dại chỉ được chỉ định tiêm trong vòng 7 ngày kể từ khi có vết thương, do đó trường hợp của bạn đã quá 7 ngày sẽ không tiêm được nữa.
Bên cạnh đó, các vaccine dại hiện được sử dụng tại Việt Nam đều là vaccine thế hệ mới, không chứa các tế bào thần kinh, đã được chứng minh an toàn và hiệu quả cao, không gây ảnh hưởng đến trí nhớ hay khả năng học tập của con bạn. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm cho sức khỏe của con khi được chỉ định chủng ngừa.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe.
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Vaccine là một trong các thành tựu y học có giá trị to lớn với nhân loại. Mũi tiêm không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn là biện pháp phòng bệnh, tránh biến chứng ở người trưởng thành, người cao tuổi.
Hiện Việt Nam lưu hành hơn 50 loại vaccine phòng hơn 40 bệnh truyền nhiễm. Trong đó, người lớn cần tiêm ngừa gần 15 loại vaccine phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt các vaccine như: cúm mùa, phế cầu khuẩn, sốt xuất huyết, não mô cầu khuẩn, bạch hầu - ho gà - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, viêm gan A+B, zona thần kinh...
Mỗi loại vaccine sẽ có số mũi tiêm và khoảng cách giữa các mũi khác nhau. Một số vaccine sẽ giới hạn độ tuổi, ví dụ các vaccine phòng não mô cầu tiêm tối đa cho người đến 55 tuổi. Hoặc như vaccine HPV tiêm cho cả nam và nữ từ 9 - 45 tuổi phòng các bệnh nguy hiểm do HPV như sùi mào, ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng… Trong đó, các loại vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván có lịch tiêm nhắc 10 năm/1 lần dù lúc nhỏ mọi người đã từng có tiêm. Viêm gan B cần tiêm bổ sung khi kháng thể giảm. Cúm mùa mỗi năm tiêm một mũi.
Với trường hợp gia đình bạn đã lâu chưa tiêm vaccine và không rõ lịch sử tiêm chủng, cần đến trung tâm tiêm chủng để bác sĩ khai thác lịch sử tiêm ngừa, bệnh sử và đưa ra chỉ định tiêm các loại vaccine phù hợp.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chào bạn!
Vaccine HPV có mặt trên thị trường từ năm 2008, thuộc chương trình tiêm chủng dịch vụ, đến nay vẫn chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó, nếu bạn được tiêm chủng theo lịch tại trạm y tế (tức chương trình TCMR) và không tiêm thêm loại vaccine loại dịch vụ nào thì bạn chưa được chủng ngừa vaccine HPV.
Về vaccine HPV, hiện nước ta có hai loại Gardasil và Gardasil 9 phòng lần lượt 4 chủng và 9 chủng virus HPV nguy cơ cao. Trong đó, vaccine Gardasil tiêm cho nữ giới từ 9-26 tuổi. Vaccine Gardasil 9 tiêm cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi.
Vaccine HPV được xem là biện pháp phòng HPV an toàn, hiệu quả cao, giúp phòng các bệnh do HPV gây ra như mụn cóc sinh dục và các loại ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng. Vaccine có hiệu quả trên 90% khi tiêm đủ liều, đúng lịch. Các nghiên cứu cho thấy vaccine giúp sinh miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể duy trì ở mức cao và hiệu quả kéo dài.
Để được tư vấn chủng ngừa vaccine HPV, bạn có thể liên hệ đến các hệ thống tiêm chủng như VNVC để được tư vấn, khám sàng lọc và chỉ định tiêm ngừa phù hợp với lịch sử tiêm chủng của bản thân.
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!
Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress