Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)

Thưa bác sĩ, sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 của AstraZeneca thì bao nhiêu lâu sau có hiệu lực? Và hiệu lực phòng bệnh bao nhiêu %? So với việc tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine, thì hiệu quả của việc tiêm 1 mũi vaccine thì như thế nào?

Hoa Thuy Tien, 24 tuổi, Phú Thọ
ThS Nguyễn Diệu Thúy - Trợ lý Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị, Như Anh/Chị đã biết, vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca quy định 2 mũi tiêm. Bất cứ loại vaccine nào cũng vậy, không phải cứ sau khi tiêm vaccine ai cũng sẽ có 100% kháng thể phòng bệnh và cũng không phải ai sau khi tiêm vaccine kháng thể sẽ ngay lập tức sinh ra. Theo những nghiên cứu và hướng dẫn của nhà sản xuất, 2-3 tuần lễ sau cơ thể có đáp ứng miễn dịch. Hai mũi tiêm vaccine có thể cách nhau 4-12 tuần. Khi đã hoàn thành 2 mũi vaccine, hiệu quả bảo vệ có thể từ 76-80%, tùy thuộc vào từng đối tượng. Đối với vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca, như những loại vaccine khác không mang lại hiệu quả tuyệt đối 100%, nhưng có thể giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong lên đến gần 100%. Nên việc tiêm vaccine trong công tác phòng, chống dịch bệnh mang ý nghĩa hết sức quan trọng, là "vũ khí" hàng đầu để chống lại những ảnh hưởng to lớn của đại dịch. Tôi phải lưu ý một điều rằng, dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, chúng ta cần phải nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong việc phòng chống nhiễm và lây lan bệnh cho những người xung quanh. Cảm ơn câu hỏi của Anh/Chị. Chúc Anh/Chị sức khoẻ.

Thưa bác sĩ, mẹ của em 63 tuổi có bệnh thiếu tiểu cầu, máu không đông. Hiện tại sức khỏe, ăn uống, sinh hoạt bình thường và cũng phải rất cẩn thận. Việc tiêm vacxin có ảnh hưởng đến bệnh hay không và cần lưu ý những gì?

Bui Thi Hoat, 58 tuổi, Thái Nguyên
ThS Nguyễn Diệu Thúy - Trợ lý Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị, Với tình trạng bệnh của mẹ Anh/Chị, theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì đây là những trường hợp cần phải thận trọng. Với trường hợp như vậy thì tư vấn của bác sĩ khám lâm sàng. Ví dụ như trong trường hợp mà bác sĩ lâm sàng quyết định là tình trạng bệnh lý của mẹ Anh/Chị ổn định, thì chúng tôi có thể tiêm chủng tại VNVC. Còn trong tình trạng bệnh lý không ổn định thì nên tiêm chủng tại bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá cụ thể về tình trạng bệnh lý và đưa ra quyết định về tiêm chủng. Còn trong những trường hợp có người bị giảm xuất huyết, hiện nay chúng ta đang dùng mũi kim 25 hoặc 23 thì sẽ có kỹ thuật tiêm để tránh trường hợp chảy máu là giữ vết tiêm lâu hơn nhằm tránh tình trạng xuất huyết. Trường hợp mẹ Anh/Chị đến và cung cấp đầy đủ thông tin thì chúng tôi sẽ tư vấn cặn kẽ. Và trong những trường hợp tiêm tại VNVC thì điều dưỡng của chúng tôi sẽ thực hiện các kỹ thuật cần thiết để đảm bảo tiêm chủng an toàn nhất cho khách hàng. Chúc Anh/Chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Xin hỏi là người dân có nên hoãn tiêm vacxin Astrazeneca, chờ có vacxin khác về Việt Nam rồi mới tiêm hay không?

Tung Viet, 26 tuổi, Đống Đa
Ths.Bs Ngô Thị Kim Phượng, Bác sĩ Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị, Trước tiên, tôi khẳng định là không nên chờ đợi. Được tiêm vacxin lúc này là một cơ hội, vì hiện tại chúng ta chỉ đang thực hiện tiêm vacxin cho những đối tượng có nguy cơ cao theo Nghị quyết 21, bao gồm 11 đối tượng. Đối tượng có nguy cơ cao phải gắn liền với địa bàn có nguy cơ cao, ví dụ như địa bàn đang có dịch hoặc địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao như người dân đi lại nhiều như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, hoặc các khu du lịch... Vừa rồi còn có thêm đối tượng công nhân trong các khu công nghiệp mặc dù không nằm trong nhóm đối tượng của Nghị quyết 21 nhưng vẫn được tiêm. Như vậy, tiêm vacxin chính là một cơ hội và đồng thời cũng là một quyền lợi. Chúng ta không nên trì hoãn tiêm hoặc chờ đợi có vacxin khác mới tiêm. Vacxin Astrazeneca đã được tiêm ở rất nhiều nước trên thế giới, nó đã chứng minh được khả năng bảo vệ cũng như khả năng phòng bệnh trong việc giảm các triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, việc tiêm vacxin giúp các Anh/Chị giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc nếu có mắc thì chỉ gặp những triệu chứng nhẹ, đặc biệt là làm giảm nguy cơ tử vong. Chúc Anh/Chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Chào bác sĩ! Cho em hỏi người bị bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ Beta Thalassemia thể nhẹ có được tiêm vaccine Covid-19 của hãng Astrazeneca không ạ? Nếu người bệnh này lại có huyết áp thấp 90/60 thì phải lưu ý gì khi tiêm vaccine không? Em cảm ơn các bác sĩ!

Le Thu Hong, 38 tuổi, Phú Thọ
Ths.Bs Ngô Thị Kim Phượng, Bác sĩ Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị, Trường hợp những người bị Thalassemia thể nhẹ thì sinh hoạt như người bình thường, do đó trường hợp của Anh/Chị có thể được tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị huyết áp thấp dưới 90/60, Anh/Chị nên đến bệnh viện nơi có điều kiện hồi sức cấp cứu tốt để tiêm chủng. Lưu ý khi đi đi tiêm, Anh/Chị cần mang đầy đủ hồ sơ sức khỏe để bác sĩ xem và hướng dẫn cho Anh/Chị. Nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, Anh/Chị có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

Chào bác sĩ! Em chuẩn bị làm IVF thì cần tiêm vaccine trước bao lâu thì mới thực hiện được IVF? Nếu đã có thai thì có tiêm được vaccine không? Nếu được thì cần phải thực hiện những xét nghiệm gì trước khi tiêm để tránh sốc phản vệ với vaccine? Em xin cảm ơn!

Tâm Nguyễn, 40 tuổi, TPHCM
Ths.Bs Ngô Thị Kim Phượng, Bác sĩ Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị, Hiện tại chưa có khuyến cáo của nhà sản xuất về các trường hợp tiêm vaccine cần khoảng cách bao lâu trước khi mang thai. Để vắc xin đạt hiệu quả tốt nhất và sinh miễn dịch, bạn nên hoãn thành 2 mũi vaccine Covid-19 ít nhất 1 tháng trước khi thực hiện IVF. Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng ta sẽ hoãn tiêm đối phụ nữ đang mang thai. Quy định hiện nay không khuyến cáo làm xét nghiệm dị ứng trước khi tiêm vaccine để tránh sốc phản vệ. Người được tiêm cần phải theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 7 ngày, nếu có các dấu hiệu của phản vệ, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất được xử trí kịp thời. Cảm ơn câu hỏi của Anh/Chị. Chúc Anh/Chị sức khỏe!

Người trên 60 tuổi đã đặt stent tim và hiện duy trì thuốc chống đông máu có nên tiêm vaccine Covid 19-hay không? Nếu tiêm được thì xin hỏi trên thế giới,hiện nay, vaccine của hãng nào ít ghi nhận biến chứng với người có tiền sử bệnh tim hơn ạ? Xin cảm ơn!

Minh, 61 tuổi, Vũng Tàu
Ths.Bs Ngô Thị Kim Phượng, Bác sĩ Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào Anh/Chị, Người đã đặt stent và đang dùng thuốc chống đông, cần phải tiêm vaccine Covid-19 tại bệnh viện nơi có đầy đủ điều kiện cấp cứu. Hiện nay trên thế giới, các nghiên cứu của từng loại vaccine Covid-19 đã cho thấy vaccine an toàn và hiệu quả đối với người có bệnh nền tim mạch. Do vậy, Anh/Chị hoàn toàn yên tâm và tiêm chủng bất kỳ loại vaccine nào hiện có ở Việt Nam. Chúc Anh/Chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Cháu đang điều trị cường giáp và uống thuốc hàng ngày. Cháu có được tính là người có bệnh nền và có thể tiêm vaccine Covid-19 được không ạ?

Đoàn Thu, 38 tuổi, Quy Nhơn
ThS Nguyễn Diệu Thúy - Trợ lý Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về khám sàng lọc tiêm chửng vaccine Covid-19, đối với trường hợp cường giáp đang dùng thuốc hàng ngày nếu tình trạng bệnh đã ổn định và khi khám sàng lọc tình trạng sức khỏe tốt, các chỉ số mạch, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở,... trong giới hạn bình thường thì vẫn được chỉ định tiêm vaccine Covid-19. Còn nếu bạn đang trong đợt điều trị tấn công hoặc đang trong đợt điều trị phóng xạ Iod hoặc có điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao (tương đương hoặc hơn 2mg prednisolon/kg/ngày trong ít nhất 7 ngày) thì sẽ phải hoãn tiêm sau 14 ngày và xin thêm ý kiến của bác sĩ điều trị. Trước khi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, người được tiêm phòng cần lưu ý chuẩn bị những việc sau: Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết như CMND/CCCD, phiếu tiêm các vaccine khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc,... sử dụng trong thời gian gần đây. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như: Tình trạng sức khỏe hiện tại; Các bệnh mãn tính đang được điều trị; Các thuốc và liệu trình điều trị được sử dụng gần đây; Tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với bất kỳ tác nhân nào; Tình trạng mang thai và cho con bú. Trong lần tiêm thứ 2, nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm vaccine trước. Đồng thời, khi đi tiêm chủng đảm bảo thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế. Cảm ơn câu hỏi của bạn, nếu còn thêm bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi đến hotline 028 7300 6595 hoặc inbox cho fanpage trungtamtiemchungvnvc. Trân trọng!

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress